Ngày 16/12/2024, huyện Đầm Dơi long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện Đầm Dơi 17/12/1984 – 17/12/2024. Tham dự buỗi Lễ có Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở, Ban ngành tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện thành phố, cán bộ hưu trí qua các thời kỳ.
Cách đây 40 năm, thực hiện Quyết định số 168 ngày 17/12/1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc đổi tên một số huyện thuộc tỉnh Minh Hải, theo đó, huyện Ngọc Hiển được đổi tên thành huyện Đầm Dơi. Huyện chính thức tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1985, ban đầu gồm 10 xã, thị trấn; đến năm 1986, mở rộng lên 23 xã, thị trấn và sau nhiều lần điều chỉnh, hiện nay được phân chia thành 16 xã, thị trấn, với 132 ấp, khóm và dân số trên 176.500 người. Nhìn lại chặng đường 40 năm trước, huyện Đầm Dơi khi mới chia tách còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; hệ thống giao thông, thủy lợi, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện, phòng học kiên cố, bán kiên cố hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn.
Đến nay, kinh tế của huyện luôn duy trì được mức tăng trưởng cao, bình quân 7 đến 10% năm. Hiện nay, sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện hàng năm đạt trên 116 ngàn tấn, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh hơn 1.500 ha, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh; đời sống nhân dân có bước nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm, tăng 31 triệu so với 10 năm trước.
Trước đây, giao thông chủ yếu là đường thủy, nay lộ xe mô tô, ô tô về đến nhiều ấp, xóm, hộ gia đình. Toàn huyện có trên 1.676km đường giao thông trải khắp các địa bàn, gắn kết với 953 cây cầu nối qua các sông rạch. Một số công trình trọng điểm như trục đường Đông - Tây; tuyến Đầm Dơi - Cà Mau; Đầm Dơi - Thanh Tùng mang tính kết nối, tạo thuận lợi trong giao thương; hệ thống lưới điện Quốc gia phủ khắp, số hộ sử dụng điện kế chính chiếm hơn 98% dân số; khoảng 98% hộ dân xây nhà cơ bản, bán cơ bản. Cách đây 40 năm, trung tâm huyện còn nhiều khó khăn, nhà thưa, chợ nhỏ. Những năm gần đây, bộ mặt trung tâm huyện đã có nhiều thay đổi: Nhiều công trình cầu, đường bờ kè, công viên được đầu tư, nâng cấp; các địa điểm kinh doanh tổ chức gọn gàng; không gian đô thị được mở rộng, thu hút doanh nghiệp, tổ chức tài chính và hệ thống bán lẻ hiện đại đến đầu tư, kinh doanh, từng bước khẳng định vai trò trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa của huyện.
Với chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả thiết thực. Giai đoạn từ năm 2010 - 2024, tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt trên 1.350 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 9/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Tân Dân tự hào là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; các xã, thị trấn xây dựng được nhiều tuyến đường kiểu mẫu; môi trường, cảnh quan và diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt.
Cách đây 40 năm, phần lớn trường học còn là những cơ sở tạm bợ bằng cây lá, đến nay, huyện có 62 điểm trường, với hơn 1.400 phòng học kiên cố, bán kiên cố, tăng 1.310 phòng so với năm 1984; 48/62 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ huy động trẻ vào học các cấp đạt 99%.
Trong những năm qua, huyện đã huy động nhiều nguồn vốn triển khai xây dựng các công trình nhà văn hóa, nhà truyền thống, Đền thờ Bác Hồ, Công viên và Tượng đài nữ kiện tướng chiến hào, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Dương Thị Cẩm Vân, tôn tạo Nghĩa trang liệt sĩ huyện và các Nhà bia ghi danh liệt sĩ của các xã - thị trấn, để ghi công, tri ân, nhớ ơn và giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng bộ huyện, cho đời đời con cháu. Đặc biệt, vừa qua được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh khởi công xây dựng công trình Khu di tích chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, tại xã Trần Phán, tổng mức đầu tư hơn 106 tỷ đồng và được tỉnh chọn là 1 trong 7 công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Hàng năm, hơn 28.000 lượt đối tượng chính sách, người có công được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên. Huyện cũng đã xây dựng trên 2.700 căn nhà tình nghĩa, gần 100 căn nhà đồng đội cho các gia đình chính sách, đồng thời huy động hỗ trợ xây dựng trên 3.888 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn; hầu hết các gia đình chính sách hiện có cuộc sống ổn định, tương đương mức sống trung bình của dân cư trong huyện. Đến nay, huyện còn 685 hộ nghèo, chiếm 1,57% và 708 hộ cận nghèo, chiếm 1,62%.
Ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết: Chặng đường dài 40 năm đánh dấu bước trưởng thành, nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, quân và dân huyện Đầm Dơi. Những thành tựu đạt được không chỉ là minh chứng cho sự cống hiến bền bỉ mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt, ý chí kiên cường của toàn hệ thống chính trị.
Chặng đường tới, Đảng bộ huyện Đầm Dơi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đặc biệt là xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030, tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, nhất là tại các khu vực ven biển.
Song hành đó là chú trọng chăm lo về văn hóa-xã hội, xem đây là yếu tố then chốt nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh .
Phát biểu tại buổi lễ đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đầm Dơi đã đạt được trong 40 năm qua.
Thời gian tới đồng chí lưu ý, huyện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trong nội bộ; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Tập trung đầu tư hiệu quả các công trình dự án, các mô hình sản xuất nhằm phát huy hiệu quả các tiềm năng lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, đồng chí cũng yêu cầu duy trì, củng cố tiêu chí các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, chú trọng tạo sự khác biệt giữa xã nông thôn mới và xã chưa được công nhận nông thôn mới. Đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, kinh doanh, sản xuất và đời sống.
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục văn hóa, lịch sử truyền thống địa phương. Cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, củng cố mạng lưới y tế tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Quản lý, khai thác tốt giá trị truyền thống, các di tích lịch sử; phát triển du lịch gắn với thương mại, dịch vụ. Tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, chuyển đổi số; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức, văn hóa và kịp thời chấn chỉnh những cán bộ thiếu tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.